Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

NÀNG THƠ

NÀNG THƠ

                    Anh còn nhớ hôm mình ngồi bến đợi - Nghe bên sông vọng lại tiếng ơi đò...
                                                      (Hình bến đò Triều quê tôi)

        LÀ EM

                               Vũ Giang - Tặng TL
Anh thơ thẩn khi hoàng hôn ráng đỏ 
Em thì thầm to nhỏ lúc chiều tà

Có em về cây héo nở nhành hoa
Như trời đất tặng món quà đồng nội.

Anh còn nhớ, hôm mình ngồi bến đợi
Nghe bên sông vọng lại tiếng ơi đò....
Em bảo rằng, đây mới thực hồn thơ
Dẫu mộc mạc, nhưng không hề dối giả . 

Và anh  đã,  gửi vào em  tất cả

Những ngọt ngào, những mới lạ thương yêu 
Anh chỉ mong, men nồng thắm thật nhiều

Say em nhé...cho cuối chiều thanh thản...!

     
                                                                                         28/9/2012


NÓI VỚI NÀNG THƠ
                         Vũ Giang
Anh vẫn muốn kéo ngày xuân ở lại
Để cho em luôn trẻ mãi không già
Bao năm rồi còn ngào ngạt hương hoa
Dáng thon thả, uốn cong tà áo mới....

Anh vẫn muốn mỗi lần đi dạo tối
Dắt tay em thiên hạ mãi trẩm trồ
Đẹp quá chừng, tuy mộc mạc đơn sơ...
Nhưng là thật không phải nhờ đóng giả


Em là thế, hãy vui cùng ý lạ
Khi nào buồn mình lại ngả vào nhau...!

Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

LỜI ĂN TIẾNG NÓI TRONG CA DAO



Trời mưa ướt lá trầu vàng
Ướt em em chịu, ướt chàng em thương
Trời mưa ướt lá trầu hương

Ướt em em chịu, ướt người thương em buồn

LỜI ĂN TIẾNG NÓI TRONG CA DAO

       
  Ca dao không những là tiếng nói chứa đựng tâm tư, tình cảm của người lao động mà còn là những kho tàng kinh nghiệm sống quý giá của muôn đời.
 Mở từng trang ca dao, chúng ta thấy hiện lên cuộc sống của người xưa trong sương mờ quá khứ. Trong đó, lời ăn tiếng nói của con người trong giao tiếp luôn được người xưa coi trọng và hiển nhiên đó là một trong những chuẩn mực đạo đức của con người. Một trong những “tiêu chuẩn  hàng đầu của vẻ đẹp con người là "ăn nói”  phải mặn mà, phải có nét duyên:
"Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà, có duyên”
Quan niệm xưa cho rằng “tóc bỏ đuôi gà, má lúm đồng tiền”  là vẻ đẹp hình thể, vẻ đẹp bề ngoài; còn “ăn nói mặn mà có duyên”  là vẻ đẹp của tâm hồn bên trong, luôn bền vững với năm tháng, với thời gian…Song song đó, hình ảnh “người khôn”  được nhắc đi nhắc lại với tần suất cao trong ca dao cũng là một điều cần lưu ý. “Người khôn” ở đây không phải là hạng người “khôn lỏi, khôn vặt” ; sống ích kỷ, nhỏ nhen mà là những con người sống có nhân nghĩa, biết đối nhân xử thế đúng mực, đúng chuẩn ở đời. Người xưa từng nói “lạt mềm buộc chặt” - lời nói ngọt ngào, dịu dàng bao giờ cũng mang ấn tượng tốt, mang lại cảm tình, niềm vui giao tiếp cho người được tiếp xúc:
"Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng, dễ nghe"
Ca dao còn nhắc nhở, khuyên nhau khi nói phải lựa lời, chọn lời, cân nhắc ý tứ. Lời nói luôn có sẵn, đối với từng trường hợp cụ thể mà chúng ta dành những “lời hay ý đẹp” cho nhau. Có niềm vui nào hơn khi trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta luôn được nghe những lời nói đẹp, những lời nói hay, sâu sắc, để cho con người sống thương nhau hơn, gần gũi nhau hơn:
"Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau"
Có môi trường sống tốt ắt có nhiều lời nói hay, nói đẹp- bởi môi trường sống ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách con người:
"Đất tốt trồng cây rườm rà
Những người thanh lịch nói ra dịu dàng”
"Người thanh tiếng nói cũng thanh
Chuông kêu chuông đánh bên thành cũng kêu"
Mỗi cử chỉ, mỗi hành vi, mỗi việc làm, lời nói đều bộc lộ phần nào phẩm chất, đạo đức, nhân cách của con người. Một khi lời nói đã thốt ra thì không bao giờ lấy lại được nữa! Câu “nhất ngôn hạ xuất, tứ mã nan truy” đủ để biết sự cẩn trọng đến nhường nào trong lời ăn tiếng nói ! Vì vậy, phải giữ đúng lời hứa, không vì lý do gì mà thay đổi. Bởi giữ lời hứa là giữ uy tín, danh dự, thể diện của bản thân:
"Nói lời phải giữ lấy lời
Đừng như con bướm đậu rồi lại bay"
Có khi người xưa khuyên răn nên “nói ít làm nhiều”, đừng “nói nhiều làm ít” kẻo mang tiếng cười, tiếng chê bai:
"Nói chín thì phải làm mười
Nói mười làm chín kẻ cười người chê”
Mặt khác, cũng cần tránh lối nói lấp lửng, nửa úp nửa mở; khiến cho người nghe áy náy, phân vân, không rõ thực hư thế nào, gầy phiền muộn cho nhau:
"Người khôn ăn nói nửa chừng
Để cho người dại nửa mừng nửa lo”
Bên cạnh đó, người xưa dạy những điều thật thấm thía: đó là khi nói, cần biết dừng lại khi cần; đừng nói dông dài “con cà, con kê”ắt sẽ làm cho người nghe nhàm chán, mất hứng thú:
"Rượu lạt uống lắm cũng say
Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm”
Trong gia đình, trong làng xóm, trong quan hệ cộng đồng - sự ôn hòa, nhường nhịn là cái gốc của cuộc sống yên vui. Xưa có đôi câu đối rằng:
"Nhất cần thiên hạ vô nan sự
Bách nhẫn đường trung hữu thái hòa"
(Chăm làm, thiên hạ không việc khó
Tốt nhịn, gia đình lắm vẻ vui)
Bài học mà ca dao dạy chúng ta thật nhẹ nhàng mà vô cùng sâu sắc:
" Kim vàng ai nỡ uốn câu
Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời”
Đúng vậy, nói nhau làm chi nặng lời bởi trong tình huống nào cũng rất cần chữ “nhẫn”  như người xưa khuyên nhủ “một câu nhịn, chín câu lành”.Trong cuộc sống, biết bao điều phức tạp nảy sinh và lời ăn tiếng nói có tầm quan trọng hàng đầu. Tìm hiểu ca dao, chúng ta càng cảm phục cha ông, càng thấm thía những lời dạy được truyền từ đời này qua đời khác mà luôn luôn giữ nguyên giá trị của nó trong sự nghiệp xây dựng con người mới hiện nay.

MƯỜI CÂU CHỮ NHẨN




Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

XƯỚNG HOẠ THƠ LỤC BÁT


Nguồn  coppy từ trang Đôn Thư Quê MẹXƯỚNG HỌA THƠ LỤC BÁT - bài DẠ THƯA; MONG EM...CHỜ ANH; EM THÀNH HOA KHÔI; KHÚC GIAO MÙA

09-10-2012

(BBT) Xướng họa thơ Lục bát cũng  là một sự giao lưu thú vị.
Nhiều bài thơ Lục bát rất hay, đi vào lòng người, được chuyển thể sang rất nhiều thể loại như: hát chèo, ca vọng cổ, quan họ, hát xoan vv...
Để vui chung, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một số bài xướng - họa do tác giả Vũ Giang khởi xướng chủ đề "xướng họa thơ Lục bát" và một số bài họa của các tác giả khác, kính mong quý vị và các bạn cùng chia sẻ và họa tiếp:
Dưới đây là một số bài xướng họa của các tác giả:

 DẠ THƯA...
 Thơ  Đặng Vương Hưng

Dạ thưa, em cũng nhà quê
Một thời cày cuốc nón mê lội đồng
Giời cho làm kiếp đàn ông
Dại yêu chẳng biết ai không có tình

Dạ thưa, đành tự thương mình
Chiếu thơ rải dưới mái đình, gốc đa
Mấy câu Lục Bát ư a
Ai yêu thì ghé, ai qua thì mời

Dạ thưa, mừng khách đến chơi
Nhân trần thay rượu đầy vơi vui buồn
Bánh đa, bánh đúc có khuôn
Chung tình ai nỡ bán buôn bao giờ

Dạ thưa, can tội... mộng mơ
Giời đày nên phải làm thơ mỗi ngày
Trót đam mê hết kiếp này
Nổi chìm mới biết sông đầy, biển sâu...

Mai sau ai nhớ một câu
Cao xanh thì cũng cúi đầu: Dạ thưa...

                                                                  Đặng Vương Hưng


THƯA RẰNG
(Hoạ bài “Dạ thưa”  thơ Đăng Vương Hưng)
 Vũ Ngọc Giang

Thưa rằng, em gốc dân quê
Bôn ba khắp chốn vẫn  ruộng đồng
Dẫu rằng giờ đã lên ông
Nửa đời trên phố, tìm không thấy tình

Thưa rằng thơ mến yêu mình
Đem hồn treo ngược nóc đình, ngọn đa
Vài câu “Sáu Tám” í a
Người thân yêu quý, lại qua chào mời

Thưa rằng bác mới ghé chơi
Ngâm câu Lục Bát cho vơi mỗi buồn
Lệ làng nay đã thành khuôn
Chẳng như chợ phố, phường buôn trước giờ

Thưa rằng đời vẫn còn 
Lòng tằm vẫn nhả hồn thơ từng ngày
Sa chân lỡ xuống chốn này
Ráng chèo cho vượt biển đầy, sông sâu

Để đời lấy một vài câu
Nam Tào có gọi: Gật đầu xin thưa….
                                 Vũ Ngọc Giang
----------------------
BÁC À
(Hoạ bài “Dạ thưa”  thơ Đăng Vương Hưng)

Nguyễn Thanh Toàn

Bác à, em cũng cùng quê
Ghiền ăn cơm tám nên  ngủ đồng
Từ ngày có cháu kêu ông
Bôn ba thành phố mà không gặp tình

Bác à,  gốc gác dân mình
Suốt đời quanh quẩn sân đình cây đa
Ráp vần ngọng nghịu ê a
Có ai đồng điệu lần qua lại mời

Bác à, bác ghé ngâm chơi
Dăm câu con cóc hòng vơi dạ buồn
Chẳng cần câu nệ phép khuôn
Chợ quê kẻ bán người buôn thuở giờ

Bác à, sáng mộng chiều 
Đói cơm nhẩm mấy vần thơ qua ngày
Để không uổng phí kiếp này
Bồng bềnh cũng trọng tình đầy nghĩa sâu

Dâng đời góp một đôi câu
Thiên lôi mượn búa gõ đầu, còn thưa
Nguyễn Thanh Toàn


NẾP QUÊ
(Hoạ bài “Dạ thưa”  thơ Đăng Vương Hưng)
   Đặng Quang Long

Một ngày lặn lội về quê
Tìm thời bắt bướm say mê giữa dồng
Dâng hương lạy tạ mộ ông
Chiều buông lặng lẽ thinh không gợi tình

Niềm riêng riêng chỉ một mình
Nghe con sáo hót đao đình ngọn đa
Ngày xưa học mãi chữ a
Thầy mình giận quá phải qua để mời

Một thời quá mải dong chơi
Mẹ cha ta đã khôn vơi giọt buồn
Nếp nhà xưa đã vào khuôn
Đâu như chợ bán mua buôn bấy giờ

Ta còn tuổi mộng tuổi mơ
Mẹ cha không trách ngây thơ những ngày
Để rồi mãi đến sau này
Lòng ta trĩu nặng nghĩa đầy ơn sâu

Ghi lòng tạc dạ một câu
Ở đời biết lẽ cúi đầu dạ thưa.
 09-10-2012 - Đặng Quang Long
------------------------

Mong Em...
Thơ  Vũ Tuấn Anh

Nâng ly, chém gió tơi bời
Đông tây kim cổ, đất trời gần xa
Biết đâu khi ấy ở nhà
Có người đang ngóng về ta bần thần...

(Canh đem nấu lại ba lần
Nồi cơm hâm nóng để phần cho anh
Lúc về đòi uống nước chanh
Vô tâm anh biến em thành vô duyên)

Mải mê bè bạn, kiếm tiền
Say thì sao biết vợ hiền ưu tư
Ngại ngùng khi nói giá như...
Mong em hãy gật đầu ừ... cảm thông
8/2012-  Vũ Tuấn Anh 


CHỜ ANH
(Hoạ bài "Mong Em" thơ  Vũ Tuấn Anh)
 Vũ Ngọc Giang

Chờ anh trong dạ rối bời
Đất thời gần lắm, nhưng trời lại xa
Đi đâu tối nhớ về nhà
Đừng làm rối trí người ta thất thần
.
Đừng thử dù chỉ một lần
Những điều chân quý em phần riêng anh
Ngọt ngào hương bưởi hương chanh
Dỗi hờn rồi cũng lại thành nét duyên
.
Thương anh không phải vì tiền
Em thương tính nết anh hiền  Lời thơ như thể Tố Như
Có buồn sau cũng phải  rồi thông.
                             VNG 8/2012
----------------------

Em Thành Hoa Khôi
Thơ Vũ Tuấn Anh 

Nếu em không thành hoa khôi
Vẫn là cái hĩm như hồi ngày xưa
Tóc còn hương bưởi gió đưa
Má mang ánh nắng ban trưa ẩn vào
Mắt cười vành nón nghiêng chao
Thì anh vẫn cứ thiết thao mong chờ...
Vẫn còn vương miện tuổi thơ
Bao năm anh giữ bây giờ...sao đây?
VTA- 8/2012

EM LÀ HOA HẬU
(Hoạ bài "Em Thành Hoa Khôi" thơ  Vũ Tuấn Anh)
 
             Vũ Ngọc Giang.

Em là hoa hậu hoa khôi
Đâu như cái tí của hồi xa xưa
Ngày ngày xe đón xe đưa
Phấn son hai buổi sáng trưa ra vào
Mắt huyền em liếc chênh chao
Khác ngày ở bến sông Thao anh chờ
Nét duyên một thuở ngây thơ
Có còn giữ được đến giờ không đây?
   
VNG 8/2012
---------------------

KHÚC GIAO MÙA
Thơ Anh Vũ

Thời gian tấu khúc giao mùa
Nồm nam hây hẩy giỡn đùa heo may
Sen hồng còn thoảng hương bay
Quyên kêu khắc khoải lấp đầy khoảng không
Chút xanh cao, chút tươi hồng
Ai đem mơ mộng thả dòng phù sa
Rì rào khép mở mắt na
Bưởi xanh ơm ớm chuyển qua sắc vàng
Cá tôm vần đục ao làng
Phất phơ dăm chiếc lá bàng bay bay
Bồng bềnh liễu khoả tóc mây
Phù dung dăm đoá ngất ngây nắng chiều
Ai đem dịu ngọt, mỹ miều
Thả vào sương khói nghiêng chiều nồng say
Biết rằng hạ đã qua đây
Hơi thu chạm khẽ bàn tay nao lòng
Má em chín mọng trái hồng
Tủi thân hạ tiễn, nao lòng thu sang!!!
---------------------------------------
THU SANG
(Hoạ  bài "Khúc Giao Mùa" của Anh Vũ)
Vũ Ngọc Giang

Ta ngồi xem gió chuyển mùa
Với tay vịn sợi gió đùa cầu may
Ngoài trời mấy lá vàng bay
Lòng buồn lá có lấp đầy được không?
Hoàng hôn tiễn mặt trời hồng
Nhớ thương mình gửi theo dòng phù sa
Ngày xưa sao chẳng trồng na
Đến giờ cây đã chuyển qua mùa vàng
Một thời xinh đẹp nhất làng
Giờ ngồi đây ngắm lá bàng bay bay
Thả hồn theo gió cùng mây
Nhớ về một thuở thơ ngây sáng chiều
Đâu cần trang điểm mĩ miều
Gặp nhau buổi sáng đến chiều còn say
Giờ mình có được nhau đây
Bàn tay nắm lấy bàn tay ấm lòng
Chiều vàng ráng đỏ hồng hồng
Xuyến xao tiễn hạ, đón mừng thu sang.....!
                                 Vũ Ngọc Giang
--------------------------------------------


BÀI TỰ HOẠ CỦA VŨ GIANG

AI THƯƠNG
Thuận nghịch độc. 
Hoạ bài “Ai Nhớ Xuân”

                             Vũ Ngọc Giang
Đọc xuôi
  Ai thương hoạ xướng đến thơ chơi
Bạn thích tôi buồn giọt được vơi
Mai Cúc thấy xuân khoe sắc thắm
Mận Đào có tết nở hoa tươi   
Trai anh tới nhạc gửi bè bạn    
Gái chị đến ca hát tặng người   
Hoài nhớ tết xuân vui tộc họ    
Ai mê mến nhớ gửi duyên cười    

THƯƠNG AI

Đọc ngược
Cười duyên gửi nhớ mến mê ai
Họ tộc vui xuân tết nhớ hoài
Người tặng hát ca, đến chị gái
Bạn bè gửi nhạc, tới anh trai
Tươi hoa nở tết có Đào Mận
Thắm sắc khoe xuân thấy Cúc Mai
Vơi được giọt buồn tôi thích bạn
Chơi thơ đến xướng hoạ thương ai !

                         Vũ Ngọc Giang