Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2024

GIÁ NHƯ

 GIÁ NHƯ 

                  Vũ Giang

            

Giá như ai cũng suy tư 

Trần gian không có hận thù gian manh 

Hành tinh không có chiến tranh 

Thái bình an lạc phước lành khắp nơi 

Đấy là chỉ giá như thôi... 

*     *     *

Giữ tâm lành là khó

Trong hành tinh bé nhỏ 

Cùng tồn tại trên đời 

Khác màu da tiếng nói 

Bóc ra vẫn "Con - Người"

*     *     *

Nếu phần "Con" thắng thế

Khác gì giống đười ươi

Nếu phần "Người" thắng thế

Ngàn đời mãi xanh  tươi.

*     *     *

Kẻ thích đẹp khoái chơi 

Kẻ tham lam lười biếng 

Kẻ hống hách làm càn 

Kẻ đức ít - ghế cao* 

Kẻ ít tài - nhiều lộc

       *     *     *

Người khiêm tốn dịu dàng

Người công minh chính trực

Người lấy Đức thắng Hung

Người chung tình - hiếu - nghĩa

Người cảm thông chia sẻ

             *     *     *

Giữ tâm lành là khó

Như bậc Thánh hiền từ 

Nếu ai cũng suy tư 

Trần gian này bớt khổ 

Nhìn nhau không hận thù .

----------------------------- 




*Trên đời có bốn cái lo: 

- Lo đức ít mà được - sùng ái nhiều 

- Lo công lập được ít mà được - hưởng nhiều bổng lộc . 

                                Khổng Tử

THU HÀ NỘI

 THU HÀ  NỘI 

      Vũ Giang

 


Mặt hồ soi bóng những hàng cây

Bóng liễu ru mình trong gió mây

Tôi đến thủ đô ngày tháng tám

Em về Hà Nội tiết thu bay

Vào thăm Phố Cổ lòng xao xuyến 

Viếng phủ Tây  Hồ dạ đắm say

Văn Hiến muôn đời vang vọng mãi

Hồn thiêng vạn thuở ở nơi này !

Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2024

NÀNG KHÔNG CŨ

 NÀNG KHÔNG CŨ. 

Vũ Giang

Tôi tìm gặp  một bài thơ cũ 

Những ngôn từ những  tưởng ngủ lâu rồi.

Thật bất ngờ, lay động trái tim tôi

Ký ức ấy vẫn bồi hồi xao xuyến.

Khi gặp lại, lòng vẫn đầy quyến luyến  

Cứ ngỡ rằng rượu cũ sẽ không say

Thế mà sao đảo lộn đất trời này

Thơ không cũ và nàng đầy nét mới.

Ước trên đời nơi trái tim ta gởi.  

Trăm năm sau giữ luôn mới nghe nàng.

Dẫu nhọc nhằn  bao vất vả gian nan,

Vẫn rạo rực khi thấy nàng không cũ...!



Thứ Tư, 21 tháng 8, 2024

TIẾN VỀ SÀI GÒN

 NHỚ SÀI GÒN

Vũ Giang





Mỗi lần xa đất Sài Thành

Là bao nhiêu nhớ để dành cho em

Mỗi lần mơ mộng trong đêm

Là nghe thánh thót bên thềm tiếng Mưa.....*

Mỗi lần lưu luyến tiễn đưa

Làn môi nóng bỏng, như vừa say men

Những ngày xa - nhớ về em

Như cây lúa khát héo mòn chờ Mưa

Sài Gòn em của ngày xưa

Vừa đi tải đạn em vừa giao liên

Em như chim sáo dịu hiền

Bay trên đường phố,nối liền hậu phương

Em là Ngọc Sáng Quê Hương

Chia cho muôn nẻo tình thương ngọt lành

Để khi xa đất Sài Thành

Là bao nhiêu nhớ lại dành cho em ......

* * *

Em là hoa của ba Miền

Mà sao vẫn có nỗi niềm tư riêng

Không như Hà Nội hồ Gươm

Câu thơ tiếng nhạc vang lên để đời

“Dù đi khắp bốn phương trời”

Nhớ về Hà Nội những lời yêu thương…

* * *

“Nếu như không có dòng Hương

câu thơ xứ Huế giữa đường đánh rơi”

Nhiều lời thương thế Huế ơi !

Thầm mong được nhận những lời như em

* * *

Sài Gòn như ngọn lửa nhen

Đã từng “Quật Khởi” vọng tên sơn hà

Trước giờ chỉ biết xông pha

Vẫy chào trăm họ từ xa “Tiến Về”

Thanh bình trải khắp miền quê

Mong cho thơ nhạc tìm về với em!

Vũ Giang

Thứ Hai, 5 tháng 8, 2024

NHẪN


MƯỜI  CÂU CHỮ NHẪN

Vũ Giang 

Nhẫn là rèn tính kiên trì
Nhẫn là để bước chân đi đúng đường
Nhẫn là để biết yêu thương
Nhẫn là để biết nhịn nhường trước sau
Nhẫn là để dạ bớt sầu
Nhẫn là không để khoét sâu hận thù
Nhẫn là giả điếc, giả ngu
Nhẫn là luyện trí để tu tâm mình
Nhẫn là để biết nhục, vinh
Nhẫn là để biết việc mình đúng sai .
                                        
               20/11/2011

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2024

Suy nghĩ

 HÃY TĨNH TÂM LẠI!

✍️GS Mạc Văn Trang

Hiện tượng Thích Minh Tuệ hơn một tháng qua đã gây chấn động xã hội. Nhà văn Phạm Lưu Vũ đã tóm lược về 6 chấn động tâm linh. Tôi muốn nói thêm về mấy chấn động Tâm lý- xã hội.

1. Hiện đang có rất nhiều người quá lo lắng cho sự an nguy của Tu sĩ Minh Tuệ.

Cháu tôi từ Hà Nội cứ nhắn tin hỏi Thầy ở đâu, có còn không? Nó lo mất ăn, mất ngủ! Nhiều người trò chuyện trực tiếp hoặc gián tiếp cũng với tâm trạng thắc thỏm lo âu. Có người bảo, công an bắt hết những người tu theo Thầy Minh Tuệ rồi. Họ diệt hết, sợ ảnh hưởng lớn quá…

Tôi thì tin và mong rằng, chính quyền hiểu được giá trị VÔ GIÁ và ảnh hưởng lớn lao của Tu sĩ Minh Tuệ không chỉ đối với nhân dân Việt Nam mà còn đối với quốc tế, mà âm thầm bảo vệ Ngài một cách thật nghiêm cẩn, nhưng tự nhiên, không ảnh hưởng đến việc tiếp tục tu tập theo Lý tưởng của Ngài. Hãy để Ngài tu theo hạnh nguyện, không được can thiệp vào; hãy làm sao để toàn dân và quốc tế yên lòng, không để thế lực xấu đưa tin thất thiệt hay làm hại Ngài.

2. Tâm lý sùng bái, học theo Thích Minh Tuệ một cách vô minh

- Mấy chục nhà sư trẻ mặc “y phấn tảo” giống Thầy Minh Tuệ, ôm ruột nồi cơm điện, quyết tu theo Thầy. Một người đã chết. Nếu cứ Tu theo y như Thầy Minh Tuệ, nhiều người rồi sẽ bệnh, chết. Nên nhớ rằng, hàng ngàn năm, hàng mấy tỷ người mới có MỘT Minh Tuệ. 

Tôi nghĩ, Thầy có thể có vài đồ đệ, nhưng phải tập học Tu từ từ, chứ theo như Thầy ngay lập tức sao được!

- Có những anh, chị đang có nghề nghiệp bỗng muốn bỏ hết đi tu theo Thầy Minh Tuệ. Mong rằng sự bồng bột sẽ qua đi. Học Thầy Minh Tuệ là làm tốt công việc của mình một cách thật thà, kiên nhẫn, lương thiên và cảm thấy hạnh phúc…

3 Đem các “Giá trị Minh Tuệ” áp đặt vào đánh giá mọi người một cách khiên cưỡng

- Sáng qua, có ông hàng xóm bảo: Tôi thấy bác viết nhiều bài, tỏ ra cũng am hiểu Phật pháp và ca ngợi sư Minh Tuệ ghê lắm, nhưng bác chả học sư Minh Tuệ gì cả. Sư Minh Tuệ bảo, người ta đánh, chửi Con, Con cũng không cãi, không giận, mà mong cho họ hạnh phúc. Vậy mà bác hay phê phán, chưa buông bỏ được. Tâm của bác vẫn luôn bị các hiện tượng ngoại cảnh tác động, sao mà an định được?

- Trời ơi! Sao ông đem so tôi với Ngài Minh Tuệ? Thế tôi ca ngợi Nguyễn Du thì thơ tôi phải hay như Thơ Nguyễn Du à? Ngài Minh Tuệ nói rõ mục đích, Lý tưởng là Tu để giải thoát khỏi sinh tử, luân hồi, Tu thành Phật. Vì Lý tưởng đó, Thích Minh Tuệ đã buông bỏ tột cùng, đã trì giới tột cùng 6 -7 năm rồi và tiếp tục cho đến chết. Cả nhân loại hiện nay, hình như chỉ có MỘT Ngài Minh Tuệ Tu được như vậy. Ngài là người Phi thường! Chính vì vậy dân ta và nhiều người trên thế giới mới kinh ngạc và ngưỡng mộ Ngài.

Tôi là người phàm thế gian, là công dân, mang danh là trí thức thì phải thực hiện nghĩa vụ công dân, chức năng người trí thức. Học Thầy Minh Tuệ là mình vẫn ăn ngon, mặc đẹp, ở sang, ngày tắm một lần, chính dâm thoải mái, nhưng biết tiết chế, đơn giản, tối thiểu những nhu cầu vật chất; biết nhẫn nại, khiêm nhường trong cuộc sống; mình biết buông xả những tâm lý tiêu cực để tâm an vui hạnh phúc, sống và làm việc tốt hơn… Thế thôi!

- Cũng không thể đem Tu Hạnh Đầu đà của Tu sĩ Thích Minh Tuệ ra để đánh giá các nhà sư khác. 

Những tăng, ni xuất gia tu học thành nhà sư chuyên nghiệp để hoằng pháp. Những người này có thể tự học Tu theo sư phụ rồi trưởng thành; ngày nay có trường lớp đào tạo từ Trung cấp, Cao đẳng, Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ Phật học…Theo số liệu của GHPGVN thì có khoảng 44.498 tăng ni, hơn 14.775 chùa, viện, tịnh xá, tịnh thất. Đây giống như các nhà giáo với hệ thống nhà trường. Trong 44.498 tăng ni này có nhiều cấp bậc trình độ nhưng không có ai Tu Hạnh đầu đà như Thầy Minh Tuệ cả.

Những người Tu xuất gia này để thực hiện Phật sự của mình, không chỉ thuộc Kinh pháp (giỏi lý luận) mà còn phải Tu theo Giới Luật của Đạo Phật, vì phải hoằng pháp, giáo hóa chúng sinh không chỉ bằng “Lý luận” mà phải bằng hành động thực tế, bằng Thân pháp.

Những người Tu chân chính được gọi là Đại Đức, Thượng Toạ, Hoà Thượng cũng chỉ là những THẦY CHÙA, ta lễ phép, kính trọng họ như người THẦY, chứ họ không phải là Phật, là Thánh, Thần!

Những người phạm Giới luật, xuyên tạc Phật pháp, lợi dụng mê tín để thao túng tâm lý Phật tử, lừa bịp thu lợi bất chính, bị dư luận lên án mạnh mẽ, thì cần tấn xuất (trục xuất) họ ra khỏi giới tăng, ni; phạm tội lợi dụng tôn giáo tuyên truyền chống phá Phật giáo và thu lợi bất chính thì phải truy tố trước pháp luật.

Tấm gương Đức Hạnh của Tu sĩ Minh Tuệ là dịp soi rọi vào giới tu hành để chấn chỉnh lại, nếu không thì niềm tin của nhân dân vào GHPGVN và pháp luật nhà nước càng suy giảm nghiêm trọng thêm.

4. Với “gần 45 triệu Phật tử đã quy y tam bảo” (Số liệu của GHPGVN) hãy tỉnh thức dưới tác động của Thích Minh Tuệ.

- Tôi nghĩ rằng Tu tại gia theo lời Phật dạy là hay nhất. Tiết kiệm thì giờ. Thỉnh thoảng đến chùa vãn cảnh, Pháp thoại, công đức ít nhiều tuỳ hoàn cảnh (nếu tin đó là chùa thanh tịnh, sự thật). Đức Phật dạy Phật tại tâm, tự mình thắp đuốc mà đi… Tu là tự mình CHỈNH SỬA tâm lý của mình theo lời Phật dạy để sống thiện lành, an vui. Mình Tu đúng, tại gia sẽ cải thiện tâm lý cả gia đình an vui. Chỉ cần trước bữa ăn, mình chắp tay cảm ơn Trời, Đất, cảm ơn những người làm ra thực phẩm cho ta, cảm ơn người nấu ăn, thế là cả nhà đang Tu rồi. Tu trong từng hành động thường ngày, từng lời nói ái ngữ, chân thật, bớt Tham, Sân, Si, sống ngay thẳng, thật thà, thương người, nhất là người yếu thế, cơ nhỡ… Vậy là Tu rồi. Sống thiện lành, chết sẽ về cõi lành.

- Những Phật tử ham đi chùa cho có Hội, đông vui, “hộ niệm” cho nhau cũng được, “trẻ vui nhà, già vui chùa“ mà! Nhưng người trẻ lo học hành, làm việc, đừng có mất nhiều thì giờ vào “phong trào tu ồn ào”. Tu phải tĩnh tâm chứ! 

Cái nguy hiểm nhất là nhiều Phật tử gặp phải các “ma tăng” như Thích Chân Quang rồi bị dẫn dắt bởi tâm lý bầy đàn u mê và bị thao túng tâm lý kéo dài mãi không thoát ra được. Thật đáng lo buồn và phẫn nộ, sau những chuyện sai quấy động trời ở chùa Ba Vàng mà hàng ngàn học sinh vẫn đến “tu học khoá hè” (?) Chẳng lẽ dân mình u mê mãi sao?!

Mong sao các Phật tử đang bị khống chế bởi những “ma tăng” tỉnh ngộ, thoát khỏi u mê, sợ hãi, quay về với chính T M mình, tự tin, tự chủ, tự tu, đoạn tuyệt dứt khoát với những “chùa ma”, “tăng quỷ” sẽ thấy tâm mình nhẹ nhõm, thanh thoát, an vui… 

5. Hãy tự chữa lành

Số liệu của Viện Tâm Thần học VN cho biết: “Khoảng 30% dân số Việt Nam bị rối loạn tâm thần, trong đó trầm cảm chiếm tới 15 - 25%. Điều đáng lo ngại là tỷ lệ này đang có dấu hiệu gia tăng ở khu vực nông thôn”...

(https://vtv.vn/viet-nam-hom-nay/30-nguoi-viet-mac-cac-chung-roi-loan-tam-than-20191121184151778.htm)

Rối loạn tâm lý chủ yếu do sợ hãi, lo âu, thất vọng, mất niềm tin, mặc cảm, căm thù, oán hận, vọng tưởng, bị sốc tâm lý …Với tâm trạng như vậy lại đi tìm các “ma tăng” “trục vong giải nghiệp”, “dâng sao giải hạn”, “cúng dường” để mua phước cho kiếp này, kiếp sau… thì sao chẳng bấn loạn tâm thần! Nhiều quan chức cũng bị sang chấn tâm lý, rối loạn tâm thần đó!

Tất nhiên người có bệnh thì phải đi đến bác sĩ, tìm những vị Chân tu hỗ trợ cách chữa lành. Nhưng chủ yếu phải tự mình học các tự giải thoát khỏi những dính mắc tiêu cực để tâm lý thanh thản, an nhiên.

Bài học của Thầy Thích Minh Tuệ là: Khổ thế, sao lúc nào Thầy cũng vui vẻ “Con rất hạnh phúc”!? Hạnh phúc vì sống theo lý tưởng, buông bỏ hết, “không có gì cả”! 

Ta không cần phải buông bỏ hết, mà chỉ cần: các Quan chức, Thầy giáo, Thầy thuốc, hay ai làm bất cứ nghề gì, việc gì cũng tận tâm phục vụ theo chức nghiệp của mình, không dính mắc vào những chuyện độc ác, dối trá, tham nhũng, tiêu cực, thì sẽ thấy mình an nhiên, hạnh phúc…

Mỗi người tự xem mình bị dính mắc vào những cái gì khiến tâm mình bấn loạn thì hãy tự giải thoát buông bỏ nó đi!

Đảng và Nhà nước được phản biện, bị dân chửi mà không giận, lại cảm ơn, “mong cho họ hạnh phúc”! Thấy mình không xứng với chức vụ thì từ chức, làm việc phù hợp, sẽ thấy hạnh phúc;

Bị người yêu bỏ mình, không ghen tức, chúc cho anh/cô ấy được hạnh phúc;

Bị DLV quy chụp, thoá mạ, không tức giận, mong cho bạn ấy hết vô minh, hạnh phúc… 

Vân vân...

Học Thầy Minh Tuệ để chữa lành là học như vây.

TÓM LẠI

Tất cả những gì Tu sĩ Thích Minh Tuệ đã (vô tình) tạo ra chấn động Phật giáo, rung động xã hội là vô cùng quý giá; nó thức tỉnh tâm thức mỗi người suy nghĩ về chính mình để tu chỉnh lại niềm tin Tâm linh, Đạo đức, Lối sống… Những tác động ta nhìn thấy hiện ra trong xã hội là vô cùng sinh động, tốt đẹp và vẫn tiếp tục lan tỏa.

Vì vậy tất cả hãy trân trọng những giá trị Thích Minh Tuệ đã tỏa sáng và bảo vệ Ngài như tài sản vô giá của quốc gia.

Học Ngài là tự sửa mình, tự chữa lành cho mình.

18/6/2024

 GS Mạc  văn Trang

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2024

TÌNH NGƯỜI QUA CHIẾN TRANH

 

ST.CÂU CHUYỆN CÓ THẬT
❤️
(Chuỵên kể của vợ lính)
Hai lão ấy là đồng môn, học hết phổ thông thì cùng đi bộ đội, ở cùng một đơn vị, vào sinh ra tử có nhau. Hết chiến tranh, cả hai cùng về theo nghiệp bút nghiên.
Tuy nhiên sau này chỉ một lão thành đạt làm Quan đứng đầu một Sở. Còn lão kia là chồng tôi thì chỉ là một công chức làng nhàng ở một cơ quan khác.
Một hôm vợ chồng tôi quyết định đến công sở bạn chồng tôi, xin ông ấy chiếu cố nhận cho đứa con duy nhất mới tốt nghiệp đại học vào làm nhân viên trong cơ quan ông ấy.
Mặc dù chồng tôi bảo rằng không cần quà cáp gì đâu, nhưng tôi không nghe, vẫn thủ sẵn một chiếc phong bao trong đó nhét gần như toàn bộ tháng lương của ông ấy.
Lão bạn chồng tôi vui vẻ tiếp vợ chồng tôi, khi tôi đưa phong bì thì lão cũng vui vẻ nhận và cho ngay vào ngăn bàn, hứa sẽ giúp vợ chồng tôi hết khả năng.
Về tới nhà, tôi cười mỉa nói với chồng:
- Anh thấy chưa, làm Quan thằng nào mà chẳng nhận hối lộ, làm gì có tình bạn chiến đấu thiêng liêng như ông tưởng, các cụ bảo rồi, trên đời làm gì có mèo chê mỡ.
Chồng tôi ngồi im suy nghĩ một lúc rồi buồn bã đáp:
- Thì cũng là tình trạng chung của xã hội hiện nay thôi em. Anh nghĩ nếu nhận một trường hợp khác thì chí ít nó cũng ra giá vài ba trăm triệu, mình là chỗ bạn bè, đồng đội, đến xin việc cho con có mấy triêu bạc, nó nhận giúp là may lắm rồi. Hơn nữa tự em đưa phong bì cho nó, chứ nó có đòi hỏi đâu, xin việc cho con thời nay có mấy triệu bạc thì ở đâu người ta nhận. Thôi, thế là quý lắm rồi chứ nó từ chối thì cũng chẳng có lý do gì mà trách móc được.
Sau đó ít hôm, lão bạn chồng tôi ghé nhà tôi chơi sau khi tan việc ở cơ quan.
Thấy lão xuất hiện, tôi nghĩ bụng:
- Kiểu này không ổn rồi chắc tại phong bì của mình nhẹ quá nên hắn đến từ chối hoặc kiếm cớ đòi thêm nữa chăng?
Sau một hồi trò chuyện, lão ta lấy từ túi áo ra một chiếc phong bì rồi nói:
- Việc của cháu xong rồi, tuần sau cháu có thể tới cơ quan làm việc, lúc nào cháu đến thì bảo cháu ghé chỗ mình rồi mình dẫn sang chỗ làm việc giới thiệu với mọi người luôn. Hôm nay mình mang trả lại vợ chồng cậu chiếc phong bì, vẫn còn nguyên niêm phong đấy, mình chưa bóc ra đâu, bóc ra vợ chồng cậu có khi lại nghĩ mình chê ít. Hôm đó mình nhận là để cậu yên tâm khỏi chạy nhờ thêm ai khác.
Vợ chồng tôi giữ lại ăn cơm, lão vui vẻ nhận lời. Bữa cơm thường nhật chẳng có gì mà hai lão vui vẻ lắm, cứ luôn miệng tranh nhau kể chuyện thời còn ở chiến trường, tôi ngồi nghe mà nhiều lúc cứ rưng rưng chực khóc. Những chuyện này bình thường lão chồng tôi có bao giờ kể cho tôi nghe đâu.
Khi bạn ra về, lão chồng chỉ vào mặt tôi sẵng giọng:
- Bà thấy chưa, không phải ai cũng xấu bụng như bà nghĩ đâu. Ông ấy là bạn học, là là đồng đội chiến đấu của tôi, một thời sống chết có nhau đấy, không có gì cao cả hơn tình đồng đội đâu, không tiền bạc nào mua được đâu.
Nói đến đây, lão đi ra sân đứng và cứ ngưới mắt nhìn lên bầu trời tối đen như đang nung nấu một điều gì đó.
Còn tôi moi khi chồng to tiếng - điều hiếm xảy ra ở lão - thì tôi bao giờ mắng át đi, nhưng lần tôi này chỉ biết rưng rưng im lặng cúi đầu nghe lão mắng.
Giờ thì tôi đã hiểu rằng: Tình đồng đội của những người lính nó thiêng liêng trân quý biết bao.
ST